Mỗi Nhà Thơ Một Khoảng Trời Mây


Mỗi Nhà Thơ Một Khoảng Trời Mây

vương thanh

03/28/2018


Mỗi một nhà thơ là Một Khoảng Trời Mây riêng biệt.  Không có đỉnh núi cao, không có cồn cát thấp.  Như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Bính, Nguyên Sa, Thâm Tâm,  Ngân Giang,  Nguyễn Nhược Pháp, Hà Thượng Nhân,   v.v   đều là  những khoảng trời mây khác nhau, mỗi người đều có nét độc đáo riêng .  Có lẽ chỉ nên thưởng thức, chứ không nên so sánh, phê bình người nào làm thơ hay hơn người nào.    Những bài thơ hợp với mình, hợp với tần số, hoàn cảnh, trải nghiệm của mình, sẽ tạo sự rung động và mình sẽ cho  là Hay.  Không hợp tần số với mình thì mình sẽ không thấy hay.  Nhưng đó chỉ là cảm nhận cá nhân.  Người khác đọc có thể sẽ có những cảm nhận hoàn toàn trái ngược.    

Người xưa có câu "Văn vô đệ nhất, võ vô đệ nhị".  Những người học võ, ai cũng đòi làm đệ nhất cao thủ võ lâm nên không có người chịu đứng hàng đệ nhị.  Văn thơ cũng không có đệ nhất vì hầu như ai cũng cho rằng văn chương mình  là nhất cả . 🙂  Đã không có đệ nhất, đệ nhị , thì mỗi nhà thơ đều là những khoảng trời mây khác nhau . 

Có một loại thơ thấy khá nhiều trong thơ Việt, gọi là thơ ngông.  Một  câu thơ điển hình là của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, đọc mới nghe thú vị làm sao .  Đó là câu "Giơ tay vói thử trời cao, thấp / Xoạc cẳng đo xem đất vắn, dài" ...  Nghe rất khẩu khí . Rất ngông nghênh. Rất dễ thương.  Vũ Hoàng Chương cũng có nhiều câu thơ ngông, mình nhớ câu này: "Cuộc chiến cũng giao hoàn đứa trẻ / Từ lâu bày đặt những trò chơi" .  Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, v.v đều là những nhà thơ ngông với nhiều áng thơ rất tuyệt.  Và  Đinh Hùng, mấy câu thơ này  cũng là  pha cái ngông nghênh và rất mơ mộng của thi nhân : "Hãy yêu tôi vì tôi làm nên mộng / Hãy yêu tôi vì tôi dệt nên trời / Em đi trong trời mộng đó, em ơi! / Theo áo nhẹ, bay cao hồn vũ trụ" .  

Ngông nghênh trong lối cư xử ở đời thì không ai thích. Nhưng thơ ngông, trái lại, được nhiều người thưởng thức. Vì trong thơ ngông có hào khí, hoặc có tâm sự, hoặc cảm khái,  v.v.  Sự khiêm tốn, điềm đạm ở trong Thơ không có chỗ đứng vì khó làm cho người đọc cảm xúc. Độc giả  rất thông cảm, và chấp nhận cái ngông trong thơ . Cuộc sống ở đời thường cần nhẫn nhục, nên có người làm thơ diễn đạt cái ngông, và cái ngông trong thơ rất vô hại, giúp xả đi những nỗi bất bình, phiền muộn trong đới sống. Cho nên người làm thơ ngông, người đọc thơ ngông đều cảm thấy hứng thú.

Thơ là tiếng lòng. Là sự vui buồn cảm khái, v.v. được thi nhân dệt thành vần điệu để bày tỏ tiếng lòng.  Một người làm thơ với sự rung động của con tim, đều có chút ngông, họ sẽ không bao giờ có ước muốn khoác lên người chiếc áo thơ của một nhà thơ khác cho dù danh tiếng bao nhiêu, cho dù thành tác giả của những vần thơ, bài thơ bất hủ.   Vì một nhà thơ chân chính sẽ không có thể từ bỏ đi những bài thơ, những vần thơ tâm đắc mà chính họ dệt từ sự rung động của con tim. 

Cho nên mình nghĩ rằng:  Không có đỉnh núi cao, cũng không có cồn cát thấp.  Mỗi một nhà thơ là Một Khoảng Trời Mây riêng biệt.  


vương-thanh 

 03/28/18