Trường Can Hành kỳ 1 

Trường Can Hành kỳ 1 - Lý Bạch

Bản dịch thơ của Vương Thanh

長干行其一


妾髮初覆額,

折花門前劇;

郎騎竹馬來,

繞床弄青梅。

同居長干里,

兩小無嫌猜。

十四為君婦,

羞顏未嘗開;

低頭向暗壁,

千喚不一回。

十五始展眉,

願同塵與灰,

常存抱柱信,

豈上望夫台?

十六君遠行,

瞿塘灩澦堆;

五月不可觸,

猿聲天上哀。

門前遲行跡,

一一生綠苔。

苔深不能掃,

落葉秋風早。

八月蝴蝶黃,

雙飛西園草;

感此傷妾心,

坐愁紅顏老。

早晚下三巴,

預將書報家;

相迎不道遠,

直至長風沙。

Thiếp phát sơ phú ngạch

Chiết hoa môn tiền kịch

Lang kỵ trúc mã lai

Nhiễu sàng lộng thanh mai

Đồng cư Trường Can lý

Lưỡng tiểu vô hiềm sai

Thập tứ vi quân phụ

Tu nhan vị thường khai

Đê đầu hướng ám bích

Thiên hoán bất nhất hồi

Thập ngũ thuỷ triển mi

Nguyện đồng trần dữ hôi

Thường tồn bão trụ tín

Khởi thướng Vọng Phu đài

Thập lục quân viễn hành

Cù Đường, Diễm Dự đôi

Ngũ nguyệt bất khả xúc

Viên thanh thiên thượng ai

Môn tiền trì hành tích

Nhất nhất sinh lục đài

Đài thâm bất năng tảo

Lạc diệp thu phong tảo

Bát nguyệt hồ điệp hoàng

Song phi tây viên thảo

Cảm thử thương thiếp tâm

Toạ sầu hồng nhan lão

Tảo vãn há Tam Ba

Dự tương thư báo gia

Tương nghênh bất đạo viễn

Trực chí Trường Phong Sa


Thuở em tóc vừa xõa trán    (1)

Hái hoa trước cửa nhà chơi   (2) 

Ngựa tre chàng cỡi đến nơi  (3) 

Rượt nhau ném quả mơ rơi quanh giường  (4)

Trường Can, chung xóm chung phường

Trẻ con kết bạn với lòng hồn nhiên  (5)

Năm em mười bốn hoa niên

Cùng chàng kết tóc se duyên trọn đời 

Thẹn thùng đâu dám tươi cười  

Che mặt vách tối, gọi ngàn lời ... hổng ra  (6)

Mười lăm tươi tỉnh mặt hoa 

Nguyện thành cát bụi vẫn là bên nhau  (7)

Một lời nguyện ước khắc sâu  -8-

Em nào nghĩ chuyện lên lầu Vọng Phu.

Năm em mười sáu mùa thu 

Chàng đi công chuyện, tới Cù Đường xa xôi  (9)

Tháng năm, đường khó đến nơi

Bên trời tiếng vượn hú, ôi, não lòng...

Vết chân xưa ở ngoài vườn

Chừ nay đã phủ lớp rong rêu dày 

Rêu dày, khó quét sạch thay

Gió thu chi sớm, lá bay... ngập hồn  (10)

Tháng tám về, đầy vườn bươm bướm  (11)

Trên cỏ xanh, bay lượn từng đôi

Chợt nghe thương cảm ngậm ngùi

Chợt lo nhan sắc phai phôi, chóng già  (12)

Khi nào chàng đến Tam Ba

Chớ quên thư gửi về nhà cho hay

Đón chàng, em sẽ đi ngay  (13)

Trường Phong Sa để sớm ngày gặp nhau.



(1) thiếp phát sơ phú ngạch (thuở em tóc vừa xõa trán)

Trước hết xin nói về xưng hô. Dùng chàng/em vì chữ chàng nghe lãng mạn, cổ phong, nhưng cũng lãng mạn trong thời hiện đại. Chữ “thiếp” thì nghe mùi mẫn, xưa quá, nên thay bằng chữ “em”.  “Thuở em” nghe hay hơn là “khi em”.  Dùng cụm từ “xõa trán” (tóc xõa trên trán) nghe hay hơn là “kín trán”,  “ngang trán”.  


Nếu làm lục bát có thể dùng “thuở em tóc mới ngang mày”, nghe cũng rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên chữ “mày” trong “lông mày” không có hình ảnh tóc xõa lòa xòa trên trán. và không phải cụm từ và hình ảnh Lý Bạch dùng trong bài thơ.   


(2) Chiết hoa môn tiền kịch (hái hoa trước cửa nhà chơi) 

Tôi cũng cân nhắc dùng cửa/cổng và chọn chữ “cửa”. Nếu dịch câu 1,2 thành lục bát thì cũng hơi thừa, vì phải kiếm chữ thêm vào và tự hỏi thêm thắt những chữ gì vào bây giờ. Làm vậy lại mất sự cô đọng. Nếu dịch thành 5 chữ thì như vầy: “thuở em tóc xõa trán / hái hoa trước cửa chơi”. Nhưng dùng thể thơ sáu chữ đọc lên nghe mềm mại, nhẹ nhàng hơn, và cũng đầy đủ ý nghĩa hơn một chút. 


(3) Lang kỵ trúc mã lai (Ngựa tre chàng cỡi đến nơi)

Cụm từ “thanh mai trúc mã”, một phần là từ câu thơ này ra. 

Tôi cũng cân nhắc dùng “ngựa trúc...” hay “ngựa tre”. Ngựa tre thì vần bằng nghe êm hơn, nhưng chính yếu vì có hồn quê hương hơn. 

Dùng cỡi/cưỡi? Hai chữ đồng nghĩa, là hai chính tả khác nhau cho cùng một chữ. Tôi thích chữ ‘cỡi” dể cho khác biệt với chữ “cưới/cưỡi” nghe rất giống nhau. 


(4) Nhiễu sàng lộng thanh mai  (dịch nghĩa: xoay quanh giường ném quả mơ) 

Cụm từ “thanh mai” trong “thanh mai trúc mã” là từ câu thơ này mà ra. 

Dịch thành “rượt nhau ném quả mơ rơi quanh giường”. Thêm một chút hình ảnh rượt nhau cho vui và hẳn là đã xảy ra như thế. 

Nếu dịch thành 5 chữ câu này và câu trên thì cũng chỉ có thể dịch như dịch giả Trần Trọng San thôi là như vầy “chàng cưỡi ngựa tre đến /quanh giường tung trái mai”.  Nhưng thể thơ lục bát độc đáo của VN trong câu này nghe êm ái, du dương, vui và hình ảnh hơn “ngựa tre chàng cỡi đến nơi / rượt nhau ném quả mơ rơi quanh giường’. 


(5) Lưỡng tiểu vô hiềm sai (dịch nghĩa: hai đứa nhỏ không có tị hiềm).

(dịch thơ: trẻ con kết bạn với lòng hồn nhiên)

tôi thấy không cần nhắc ý tị hiềm khi dịch qua tiếng Việt làm gì.  


(6) Đê đầu hướng ám bích / Thiên hoán bất nhất hồi (dịch nghĩa:)   (dịch nghĩa: cúi đầu hướng vách tối / gọi ngàn lần không một lời hồi đáp)

(dịch thơ: Che mặt vách tối, gọi ngàn lời ... hổng ra)

Tuy lục bát, nhưng ai bắt lục bát phải luôn 6/8. Khi cần thiết cho rõ nghĩa, thêm vào một chữ, thành 9 chữ cũng là thường, vượt qua sự cố chấp vần luật. Tôi dùng chữ “hổng” thay vì chữ “chẳng” cho nghe dễ thương chút.  Phóng dịch câu này một chút, thay vì không đáp lời thì dịch thành “không ra”, cũng là cái ý “e thẹn, ngượng ngùng” thôi, không khác bao nhiêu.

 

(7) Nguyện đồng trần dữ hôi  (dịch sát nghĩa: ước nguyện cùng bụi (trần) và (dữ) tro (hôi). Ý là : nguyện thành tro bụi cũng bên nhau. Vài bản dịch khác thì lại cho rằng “cùng chịu gian khổ với nhau không rời”. Cũng không khác bao nhiêu, cả hai đều đúng. 

Câu đó tôi dịch thơ là : “Nguyện thành cát bụi vẫn là bên nhau”.


(8) Thường tồn bão trụ tín (Mãi mãi giữ lời như Vĩ Sinh ôm cột)  

(dịch thơ: Một lời nguyện ước khắc sâu) 

dịch thoát ý thôi, nhắc đến diển tích ôm cột làm gì cho nặng nề, mất công giải thích. 


(9) Thập lục quân viễn hành / Cù Đường, Diễm Dự đôi

dịch nghĩa: “năm em” 16 tuổi chàng đi xa / tới Cù Đường và Diễm Dự

dịch thơ: năm em 16 mùa thu / chàng đi công chuyện tới Cù Đường xa xôi

Dùng chữ “thu” cho cùng vần với câu trên. Cân nhắc bỏ Diễm Dự đi, thấy cũng không cần thiết, Cù Đường, đi xa đủ rồi, và để cho thành lục bát.


(10) Lạc  diệp thu phong tảo (dịch sát nghĩa: lá rụng, gió thu sớm)

dịch thơ: gió thu chi sớm, lá bay... ngập hồn. 

Tiếng Hán rất cô đọng, nếu dịch thành thơ 5 chữ thì có thể như vầy: “gió thu thổi lá rụng”. Bắt buộc phải có chữ (gió, thu, lá, rụng/rơi). Đã xài hết 4 chữ rồi, mà còn thiếu chữ “sớm (tảo) cũng khó mà cho vào cho câu thơ 5 chữ nghe êm xuôi. 

Dịch qua lục bát của VN, câu này có thể dùng 8 chữ, VT thêm hai chữ “ngập hồn” và cho lá bay... ngập hồn đễ điễn tả nỗi lòng buồn bã.


(11) Bát nguyệt hồ điệp hoàng / Song phi tây viên thảo

(dịch nghĩa: tháng 8, bươm bướm vàng / những đôi bướm cùng bay trong vườn cỏ phía tây)

(dịch thơ: Tháng tám về, đầy vườn bươm bướm / Trên cỏ xanh, bay lượn từng đôi) 

Hai câu này, VT dùng song thất cho đặc biệt và cũng vì 2 câu này có duyên với “song thất’ để góp vào đoạn song thất lục bát. 


(12) Toạ sầu hồng nhan lão (dịch sát nghĩa: ngồi, buồn má hồng già nua: ý là ngồi, buồn lo nhan sắc phôi pha, trông già nua / hay cũng có thể là ngồi buồn nghĩ đến khách hồng nhan rồi một mai sẽ già). 

(dịch thơ: Chợt lo nhan sắc phai phôi, chóng già) 

luận: thấy chữ “tọa/ngồi” cũng không cần thiết cho vào làm gì, nghe mất hay cho câu thơ tiếng Việt. Tiếng Hán cô đọng thì lại khác. 


(13) Tương nghênh bất đạo viễn / Trực chí Trường Phong Sa

(dịch nghĩa: đón chàng không quản đường xa / thẳng đến trường phong sa). 

(dịch thơ: Đón chàng, em sẽ đi ngay /Trường Phong Sa để sớm ngày gặp nhau)

Luận:  cũng cân nhắc dùng “đường xa, em sẽ đi ngay”. Nhưng rồi bỏ qua hai chữ này. Đi ngay và để sớm ngày gặp nhau cũng bao hàm “đường xa” rồi.


Vương Thanh, 02.24