Lý Quý Lan

Lý Quý Lan 李季蘭 (713-784) vốn tên Lý Dã 李冶 (có sách chép Lý Dụ 李裕, Lý Đãi 李紿) sinh năm Khai Nguyên thứ nhất đời Đường Huyền Tông, người Ô Trình, tỉnh Giang Nam (nay thuộc Ngô Hưng, Chiết Giang). Nàng có tài làm thơ từ khi còn nhỏ tuổi, lại thông minh, lanh lợi hơn người. Năm mười một tuổi, được cha mẹ đưa vào Ngọc Trấn quán ở Viêm Trung làm nữ đạo sĩ, cho đổi tên thành Lý Quý Lan 李季蘭 vì nghĩ rằng chốn tịnh tu đèn xanh mũ vàng có thể xoá bỏ nghiệp chướng của đời nàng. Vì có tài thơ xuất chúng, nên Lý Quý Lan đã được các văn nhân, thi sĩ mến mộ và thường lui tới đạo quán đàm luận thơ văn, ngay cả Đường Huyền Tông cũng biết tiếng nàng và thường hay đọc thơ của nàng. Lý Quý Lan có nhiều bạn thơ nhưng trong đó được kể đến nhiều là các thi sĩ Chu Phóng, Lục Vũ, thi tăng Hạo Nhiên.


Cuối cùng, Đường Huyền Tông nghe danh và triệu nàng lên kinh diện kiến, khi đó nàng đã 40 tuổi. Trong khoảng thời gian đó xảy ra loạn An-Sử khiến Đường Huyền Tông bỏ chạy, Lý Quý Lan bị lạc trong loạn và không rõ tung tích. Có thuyết nói do nàng từng dâng thơ tán tụng phản tướng Chu Thử 朱泚 trong thời gian xưng đế nên về sau bị vua Đức Tông xử tội chết năm 784.


Nàng giỏi thơ ngũ ngôn, thường lấy chủ đề thù tặng, khiển hoài. Lưu Trường Khanh 劉長卿 tôn nàng là thi hào.