Thôi Hiệu

Thôi Hiệu 崔顥 (khoảng 704-754), người Biện Châu 汴州 (nay là tỉnh Hà Nam) đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 11 (723) làm quan đến chức Tư Huân viên ngoại lang. Ông sống phóng túng, ít gìn giữ, do đó người đời có người không thích. Ông để lại một tập thơ vài trăm bài, nhưng đến nay chỉ còn lưu truyền 43 bài, trong nổi tiếng là bài thơ Hoàng Hạc lâu được coi là “thiên cổ tuyệt xướng”.
Nguồn: thivien.net

Hoàng Hạc Lâu – Thôi Hiệu


Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ 

Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu 

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản 

Bạch vân thiên tải không du du 

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ 

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu 

Nhật mộ hương quan hà xứ thị 

Yên ba giang thượng sử nhân sầu. 


Bản dịch của Tản Đà:

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu? 

Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ! 

Hạc vàng đi mất từ xưa, 

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay. 

Hán Dương sông tạnh cây bày, 

Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non. 

Quê hương khuất bóng hoàng hôn, 

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai? 


Bản dịch của Vũ Hoàng Chương:

Xưa hạc vàng bay vút bóng người, 

Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi. 

Vàng tung cánh hạc đi đi mãi, 

Trắng một màu mây vạn vạn đời. 

Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu, 

Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi. 

Gần xa, chiều xuống, đâu quê quán? 

Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi! 


Dịch nghĩa:

Người xưa cưỡi hạc vàng bay đi mất

Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc.

Hạc vàng một khi bay đi không trở lại nữa

Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không.

Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một,

Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi.

Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?

Trên sông khói toả, sóng gợn, khiến người sinh buồn!



Bản dịch của Song Nhị:

Nhớ xưa người cỡi hạc vàng

Rồi đi biền biệt lầu Hoàng Hạc trơ

Nghìn năm bóng hạc khuất mờ

Trời xanh mây trắng mãi hờ hững trôi

Hán Dương sông nước bồi hồi

Bến xưa Anh Vũ một trời cỏ hoa

Quê hương muôn dặm quan hà

Đầy sông sương khói nhạt nhòa nhớ mong.