Tây Sương Ký

Bản dịch của Nhượng Tống (1942). (VT bỏ qua lời bàn dài dòng trường giang đại hải của Kim Thánh Thán, dài gấp hai, ba lần vở kịch. KTT là phê bình gia văn học của đời sau viết lời bình cho vở kịch.   

Vương Thực Phủ

TÂY SƯƠNG KÝ (MÁI TÂY)


PHẦN THỨ NHẤT

Bà lớn vườn xuân truyền mở cửa

Oanh Oanh đêm vắng lén dâng hương,

Con Hồng nhỏ ra vào tin tức,

Cậu Trương mê quấy rối đàn trường.


CHƯƠNG I - GẶP GỠ


Cảnh thứ nhất: Trong biệt thự họ Thôi

BÀ LỚN - (Cùng Oanh Oanh, Con Hồng, cậu Hoan cùng ra). Nói: 

Già đây họ Trịnh, Ông lớn tôi ngày trước họ Thôi, làm chức Tướng Quốc trong triều, chẳng may mắc bệnh vừa mới mất. Chúng tôi hiếm, chỉ được có con Oanh Oanh đây là gái, năm nay mười chín tuổi: Thơ, từ, tính, viết, thêu, dệt, nữ công, nó đều thông thạo cả. Lúc ông lớn tôi còn, đã hứa gả nó cho Trịnh Hằng, cháu gọi tôi bằng cô, con cả ông Thượng Trịnh. Vì dở dang nên nó còn chưa cưới! Con bé này tên gọi Con Hồng, hầu hạ con tôi từ nhỏ. Còn thằng Hoan đây là con nuôi ông lớn tôi. Ông lớn tôi mất, mẹ, con tôi đưa linh cữu về quê nhà ở Bác Lăng. Nhưng đường xá trắc trở, còn chưa đi được ngay. Đến đây là phủ Hà Trung, hãy đưa linh cữu quàn tạm trong chùa Phổ Cứu. Chùa này là công đức của bà Vũ Tắc Thiên hạ sắc cho xây dựng. Sư cụ trong chùa là Pháp Bản, vốn là một nhà sư thế thân cho ông lớn tôi. Vì vậy nhà tôi có làm một lớp nhà riêng ở phía Tây chùa, có thể tạm ở được. Một mặt tôi viết thư vào kinh, gọi Trịnh Hằng ra đưa cả nhà vào Bác Lăng. Nghĩ như lúc ông lớn tôi còn, bàn ăn khoát thượng, người hầu kể trăm. Vậy mà bây giờ ruột thịt chí thân, chẳng qua chỉ quanh quẩn có vài, ba đứa này! Ai mà dễ cầm lòng thương cảm. Hát: 

Biết chăng ông dưới suối vàng? 

Con côi, vợ goá, bước đường chông gai! 

Quê nhà thăm thẳm phương trời, 

Xe châu hãy tạm gác ngoài cửa Không. 

Tưới hoa lệ đẫm giọt hồng! 

Hôm nay chiều trời cuối xuân, thấy mệt người quá! Con Hồng xem vườn trước có vắng, đưa cô ra đứng chơi một lúc giải trí, đi con! 

CON HỒNG - Dạ! 

OANH OANH – Hát: 

Bơ vơ đất khách xuân tàn! 

Lạnh lùng, chùa vắng tam quan chặt cài! 

Nhuộm hồng nước chảy hoa rơi, 

Sầu riêng trăm mối, ngậm ngùi gió Đông. 

(Bà lớn cùng các vai vào cả) 

Cảnh thứ hai: Trên đường bờ sông Hoàng Hà. 

CẬU TRƯƠNG – (Cùng hề ra). Nói: 

Tôi họ Trương tên Củng, tự là Quân Thuỵ. Quê nhà ở Tây Lạc. Cha tôi trước, Thượng Thư bộ Lễ. Còn tôi công danh chưa đạt, du học bốn phương. Hôm nay là thượng tuần tháng hai năm thứ mười bẩy niên hiệu Trinh Nguyên. Tôi vào kinh để nay mai dự kỳ thi Hội. Tôi có người bạn cũ họ Đỗ tên Xác tự là Quân Thực, cùng tôi cùng huyện, cùng học, lại từng kết nghĩa anh em. Về sau anh tôi bỏ văn học võ, thi đậu võ Trạng Nguyên, hiện cầm mười vạn quân đóng giữ Bồ Quan, lĩnh chức Chinh Tây Nguyên soái. Giờ tôi hãy sang thăm anh tôi một chuyến. Rồi hãy vào Kinh, cũng chẳng muộn gì. Nghĩ như tôi: song huỳnh án tuyết, nghiệp văn chương học đã nên tài! Vậy mà: bèo dạt, mây trôi, chí hồ hải bao giờ cho được, a? 

Hát: 

Sóng thu cất giấu gươm thần! 

Buồn xuân đè nặng mấy lần yên thêu! 

Bạch: 

Chút nợ cầm thư trả chửa xong! 

Chỉ nào buộc được gót hoa bồng? 

Trời xa, xa thật nhìn còn thấy! 

Thăm thẳm Trường An mỏi mắt trông! 

Hát: 

Dùi mài kinh sử bao công! 

Làm thân con mọt sách, long đong thôi có ra gì! 

Đất trường thi, ngồi đã nhẵn lì! 

Mực mài, nghiên sắt mòn đi mấy phần? 

Đường mây chín vạn, muốn chen chân, 

Mười năm án tuyết phải nhọc nhằn sớm trưa! 

Chí to, thời không gặp, bằng thừa! 

Tài cao, người thế chẳng ưa cũng hèn! 

Chắc đâu không tủi bút thẹn nghiên, 

Văn chương rẻ giá, sách đèn uổng công. 

Nói: Đường đi đã đến bên Hoàng Hà rồi đây! Trông mà coi: hình thế mới đẹp làm sao! 

Hát: 

Cả chín khúc là đâu chưa kể, 

Riêng chốn này hình thế đã hiên ngang! 

ChẹnU, Yên, ngăn Tần, Tấn, rẽ Tề, Lương, 

Bề hiểm trở thật khôn lường, hiếm có. 

Lớp sóng bạc ngất trời tung vỗ: 

Mây chiều thu khép mở không thường! 

Dịp cầu xanh trước bến nghênh ngang: 

Rồng mặt nước nhẹ nhàng uốn khúc! 

Suốt Nam, Bắc, Đông, Tây đỡ dốc, 

Ngang trăm sông mà dọc chín châu! 

Con thuyền ai thấp thoáng bóng về đâu: 

Lìa cánh nỏ, ruổi mau tên mới bắn! 

Sông Ngân mới từ Trời sa xuống hẳn? 

Nguồn treo cao, cao tận chín tầng trên! 

Bể Đông đường ấy đã quen. 

Thấm muôn cánh rộng, tưới nghìn thức hoa! 

Muốn vin cành quế cung nga, 

Buông chèo đường ấy biết là có nên? 

Cảnh thứ ba: Trước quán trọ. 

CẬU TRƯƠNG Nói: - Nói chuyện thế mà đã vào tới trong thành. Cửa hàng coi mới lịch sự sao? Hề đâu! Dắt ngựa đây! Chủ quán đâu? Chủ quán! 

CHỦ QUÁN (ra) Nói: - Bẩm quan! Chính nhà cháu là chủ cái quán Trạng Nguyên này! Mời quan vào nghỉ chân! Quán nhà cháu có phòng nằm sạch sẽ lắm! 

CẬU TRƯƠNG - Nếu vậy, dọn cho trọ vào hạng nhất. Bác quán! Lại tôi hỏi: Ở đây có chỗ nào đi chơi cho giải trí không? 

CHỦ QUÁN - Miền nhà cháu đây có toà chùa Phổ Cứu là công đức của bà Võ Tắc Thiên. Chùa làm lộng lẫy lắm: Các khách quan qua lại, ai cũng phải vào xem - Bẩm quan! Chỉ có đấy là đáng vào chơi hơn cả. 

CẬU TRƯƠNG - Hề đâu! Xếp hành lý vào, tháo yên cương cho ngựa! Ta sang chơi bên ấy một lát. 

HỀ - Dạ! (vào cả). 


Cảnh thứ tư: Chùa Phổ Cứu, bên vườn hoa họ Thôi. 

PHÁP THÔNG (ra) Nói: - Tiểu tôi là Pháp Thông, học trò cụ Pháp Bản chùa Phổ Cứu. Hôm nay cụ tôi đi làm chay vắng, dặn tôi ở lại chùa, có ai đến thì nhớ về bạch cụ. Nào! Tôi thử ra ngoài cửa đứng, xem có ai đến không nào! 

CẬU TRƯƠNG (ra) Ngâm: 

Đường quanh, lối vắng đi vào. 

Cỏ hoa cửa Phật đón chào khách chơi. 

Nói: - Này, đã đến chùa rồi đây! (Cúi chào Pháp Thông). 

PHÁP THÔNG – A di đà Phật! Thầy mới ở đâu lại chơi? 

CẬU TRƯƠNG – Tôi là người Tây Lạc, qua đây nghe tiếng chùa ta là môt nơi thắng cảnh, nên vào đây trước là lễ Phật, sau nữa hầu thăm sư cụ. 

PHÁP THÔNG – Sư cụ tôi đi vắng. Tôi là đồ đệ, tên gọi Pháp Thông. Xin mời thầy vào phương trượng xơi nước! 

CẬU TRƯƠNG – Sư cụ đi vắng thì thôi xin cũng đừng cho uống nước. Phiền sư ông dẫn cho đi vãn cảnh một lượt thôi. 

PHÁP THÔNG – A di đà Phật! 

CẬU TRƯƠNG – (vãn cảnh): Nói: - Chùa làm đẹp thật! 

Hát: 

Trên điện Phật dạo chơi đã hết 

Dưới phòng tăng xem biết đã tường 

Trước mặt, kìa là gác chuông! 

Này nơi nhà tổ, nọ buồng cơm chay! 

Hành lang dạo đó đây hồ khắp. 

Vào động rồi, lên tháp xa trông. 

Phật tiền khấn vái đã xong. 

Xem bà mụ thiện, lễ ông Thánh Hiền. 

Nói: - Kìa lại còn một toà chùa nữa! Để tôi sang vãn cảnh một thể! 

PHÁP THÔNG – (nắm áo cậu Trương giữ lại) Ấy chết! Bên ấy là biệt thự nhà quan Thôi Tướng Quốc. Xin thầy ở lại đây thôi! 

CẬU TRƯƠNG – (nhác trông thấy Oanh Oanh và con Hồng thơ thẩn ở vườn hoa). 

Ví không duyên nợ kiếp xưa. 

Kiếp này hồ dễ tình cờ xui nên! 

Mắt trông kể vạn, kể nghìn, 

Con người đẹp thế, đã nhìn thấy ai! 

Mắt hoa miệng những nghẹn lời, 

Thần hồn tơi tả, lưng trời bay xa! 

Nói năng đùa cợt mặc ta! 

Nghiêng vai chỉ bứt bông hoa mỉm cười! 

Phải chăng đây là cảnh Bồng lai? 

Sao tôi lại gặp con người thần tiên! 

Trâm hoa cài lệch một bên, 

Mặt xuân mừng, giận càng nhìn càng say. 

Mày in trăng mới xinh thay, 

Cong cong bên mái tóc mây rườm rà! 

Sượng sùng miệng chửa nói ra. 

Răng là ngọc chuốt, môi là son tươi, 

Lâu lâu mới nói nên lời, 

Véo von oanh hót bên ngoài lớp hoa! 

OANH OANH - Hồng ơi! Ta đi vào trong bà đi! 

CẬU TRƯƠNG : 

Chân tay mềm mại nõn nà, 

Bước đi êm ả, trông mà thấy yêu! 

Dịu dàng yểu điệu trăm chiều, 

Như cành liễu trước gió chiều thướt tha. 

(Oanh Oanh cùng con Hồng vào) 

Cánh hồng rải lối bước qua, 

Bụi thơm in vết hài hoa rành rành! 

Kể chi khoé mắt long lanh, 

Chân đi cũng đã hữu tình với ai! 

Dùng dằng bước một bước hai, 

Khuất mành mới thật đôi nơi cách trùng. 

Rõ ràng như thế, phải không? 

Bảo sao tôi chẳng trong lòng mê tơi! 

Gót tiên cách nẻo trần ai, 

Bâng khuâng phong cảnh vắng người buồn tanh! 

Buồn trông khói liễu xanh xanh! 

Buồn nghe đàn sẻ trước mành xôn xao! 

Vườn hoa lê cửa đóng lúc nào! 

Tường cao, cao quá! kể cao bằng trời! 

Trách trời sao chẳng chiều người? 

Làm khuây chẳng được, đứng lười không đang! 

Nghĩ hươu, tính vượn trăm đường. 

Hương lan còn thoảng, tiếng vàng đã xa. 

Gió lay cành liễu la đà. 

Tơ hồng vướng vít cánh hoa tơi bời! 

Rèm châu lấp lánh mặt người! 

Nuốt thầm nước bọt! trông hoài nẻo xa! 

Ai bảo dinh quan Tướng phủ Hà? 

Tôi thì rằng: chính chùa đức phật bà Quan Âm 

Mai đây gió bắt mưa cầm. 

Bệnh tương tư sẽ đau ngầm tận xương! 

Hại thay cặp mắt như gương, 

Liếc ai trong lúc bàng hoàng quay đi! 

Dẫu người sắt đá tri tri, 

Dễ cầm lòng chẳng say mê được nào! 

Trước sân hoa, liễu xinh sao! 

Trời trưa bóng tháp thu vào tròn xoe! 

Cảnh xuân rực rỡ bốn bề. 

Mà con người ngọc đi về nơi nao? 

Cảnh Phật đây mà hoá nguồn Đào!


PHẦN THỨ NHẤT, CHƯƠNG II – XIN TRỌ


Cảnh thứ nhất: Biệt thự họ Thôi 

BÀ LỚN (ra) Nói: - Hồng ơi! Mày truyền lời ta, sang hỏi sư cụ bên chùa, bao giờ thì làm chay cho ông lớn? Hỏi đích đáng rồi, về trả lời ta, nghe! 

CON HỒNG -Dạ! (cùng vào). 

Cảnh thứ hai: Chùa Phổ Cứu. 

PHÁP BẢN (ra) Nói: - Lão tăng đây là Pháp Bản, trụ trì trong chùa Phổ Cứu này. Hôm qua lão vào trong làng làm chay, chẳng hay có khách nào đến thăm chùa không, chú Thông? 

PHÁP THÔNG (ra) - Dạ bạch cụ: Hôm qua có một người học trò ở Tây Lạc đến thăm cụ, nhưng không gặp lại trở ra. 

PHÁP BẢN - Vậy chú ra cửa coi. Nếu thầy ta đến thì vào nói tôi biết. 

PHÁP THÔNG - Dạ. 

CẬU TRƯƠNG (ra) – Hôm qua tình cờ gặp cô em. làm cho tôi suốt đêm mất ngủ. Hôm nay lại vào chùa thăm sư cụ, tôi sẽ nói câu chuyện (chào Pháp Thông). 

Ví bằng thu xếp không xong, 

Thì tôi đây oán sư ông mãn đời! 

PHÁP THÔNG – Kìa thầy đã lại! Thầy dạy sao, tiểu tôi không hiểu! 

CẬU TRƯƠNG : 

Cho tôi thuê một gian ở dãy chùa ngoài. 

Ở ngay đối cửa con người hôm qua. 

Dù không ghẹo nguyệt, bẻ hoa, 

Cũng nhìn cho con mắt oan gia đã đời! 

PHÁP THÔNG – Thưa thầy dạy thế nào, tiểu tôi không hiểu … 

CẬU TRƯƠNG : 

Vốn tính tôi nhát gái lạ đời: 

Thoáng trông là thẹn đỏ người lên ngay? 

Cớ sao gặp gỡ lần này, 

Bể lòng lại thấy vơi đầy yêu đương! 

Mắt nhìn đã nảy hồng quang! 

Nghĩ càng tê tái, mong càng ngẩn ngơ! 

PHÁP THÔNG - Thầy nói thế nào, tiểu tôi không hiểu. Sư cụ đợi đã lâu, tôi xin vào trình lại. 

CẬU TRƯƠNG (vào chào Pháp Bản) 

Tiếng sang sảng, người to bệ vệ 

Tóc bạc phơ, mặt trẻ phây phây! 

Chân tu nên mới được thế này, 

Thêm vòng hào quang nữa thì thực tượng thầy Đường Tăng. 

PHÁP BẢN – Xin mời thầy vào chơi trong phương trượng. Hôm qua lão đi vắng, không được thừa tiếp, xin thầy thứ lỗi cho. 

CẬU TRƯƠNG - Bấy lâu nghe tiếng sư cụ, chúng tôi vẫn muốn đến hầu. Không ngờ hôm qua sư cụ lại vắng chùa. Hôm nay được gặp, thực là ba sinh, âu cũng duyên trời chi đây! 

PHÁP BẢN – Dám hỏi thầy quý quán đâu ta? Tôn tính đại danh thế nào? Có việc gì qua chơi? 

CẬU TRƯƠNG – Chúng tôi ọ Trương tên Củng, tự là Quân Thuỵ, nhân vào kinh dự thi, đường đi qua miền này. 

Cụ đã có lòng hỏi đến, 

Tôi xin thực chuyện thưa bày: 

Quê hương tôi chính ở Lạc Tây, 

Nhưng du học nay đây mai đó! 

Gia nghiêm trước thượng thư lễ bộ. 

Ngoài năm mươi xa bỏ cõi trần. 

Bởi một đời, cha thanh liêm không khoét tiền dân, 

Nên bốn bể, con trơ trọi chiếc thân công tử xác! 

Gió thoảng mát trông lồng gương bạc, 

Cụ là người lỗi lạc thông minh, 

Tôi đến đây quên cả công danh, 

Chỉ mong được nghe kinh lắng kệ. 

Giữa đường không có gì làm lễ, gọi là có lạng bạc, cúng vào Tam Bảo, cụ vui lòng nhận cho. 

Học trò kiết chỉ lấy đầu làm lễ, 

Được đâu như những kẻ có đồng tiền, 

Mặc cho miệng thế chê khen. 

Chẳng tường gá bạc, không quen tuổi vàng! 

Phải đâu giúp cụ tiền lương, 

Chẳng qua đồng lễ dâng hương gọi là. 

Lòng thành tôi đã dâng ra, 

Dám xin cụ chớ nề hà nhận cho! 

Mai ngày có trước mặt cô 

Mười phần cụ nói đỡ cho một vài, 

Thì tôi còn ơn cụ mãn đời … 

PHÁP BẢN - Giữa đường gặp gỡ, sao thầy lại bày vẽ ra như thế. Chắc thầy lại có chuyện gì muốn dạy bảo nhà chùa hẳn thôi! 

CẬU TRƯƠNG – Thưa thế này thực là đường đột … Chỉ vì nhà trọ rộn rịp quá, khó lòng ôn lại được sách vở, nên muốn nhờ cụ một gian phòng, sớm hôm học tập. Tiền phòng nhiều ít thế nào cũng được, xin cứ tháng đưa hầu. 

PHÁP BẢN – Thưa được. Nhà chùa cũng có nhiều phòng bỏ không, xin tuỳ ý thầy chọn. Hay là ở quách ngay phương trượng nằm với lão cho vui. 

CẬU TRƯƠNG : 

Tôi chẳng cần chái Bắc, hiên Đông! 

Gác kinh, nhà tổ, tôi không thiết mà! 

Chỉ xin thuê Mái Tây ở cạnh vườn hoa. 

Nhà quan Tướng Quốc phủ Hà bên kia! 

Chứ nằm chung với cụ nước gì. 

CON HỒNG (ra) – nói một mình: 

Bà lớn sai tôi sang hỏi sư cụ, bao giờ làm chay cho ông lớn. Hỏi cho rõ rồi về thưa lại. 

(Vào chào Pháp Bản) Bạch lạy cụ, bà lớn sai con hỏi bao giờ thì làm chay cho ông lớn. 

CẬU TRƯƠNG: 

Con người mới khá làm sao. 

Bóng dáng thực con nhà lịch sự, 

Trăm phần không lẫn nửa trai lơ! 

Sẽ cúi đầu khép nép chào sư, 

Môi son hé nói thưa phép tắc. 

Khuôn mặt đẹp không cần trang sức, 

Quần áo xô nhưng khéo mặt cũng xinh! 

Cô em đã giống đa tình, 

Con hầu lại tinh ranh hiếm có. 

Liếc trộm mà xem con mắt nó. 

Có thèm đâu nhìn ngó tới mình đây! 

Em ơi! Hãy đợi đến ngày, 

Ta cùng cô đã sum vầy phượng loan, 

Quyết chẳng để em trải nệm quạt mà. 

Lại thưa bà kiếm tấm chồng quan cho em nhờ! 

PHÁP BẢN (giận dữ) - Thầy này coi người cũng tử tế, mà ăn nói ra cái gì thế! 

CẬU TRƯƠNG - Cụ nên rõ tôi nói thế cũng là đáng lắm chứ! 

Tội chưa! sư cụ mếch lòng! 

Con người tử tế nói sao không lựa lời! 

Nhưng nhà quan chi thiếu kẻ hầu trai, 

Sang chùa hỏi việc lại sai con đòi? 

Cụ còn chối cãi nữa thôi? 

Ngứa mồm tôi nói, cấm tôi được nào? 

PHÁP BẢN – Không phải thế! Đó là do tấm lòng chí hiếu của tiểu thư. Vì là việc làm chay cho ông lớn nên tiểu thư dốc lòng thành kính không sai ai cả, phải sai chị Hồng sang đây là người hầu cận sang hỏi nhật kỳ. (Quay lại con Hồng): Việc làm chay, đàn tràng đã sắp đặt sẵn sàng. Rằm này là ngày cúng Phật, xin mời bà lớn cùng cô sang dâng hương. 

CẬU TRƯƠNG (khóc) - Ối cha ôi là mẹ ôi! Cha mẹ sinh con, bao công khó nhọc! Trời già độc địa, báo đáp được đâu! Tiểu thư là một người con gái, còn biết lo ân trả nghĩa đền. Cho hết lòng của kẻ làm con, tôi cũng xin đưa năm mươi quan tiền, xin cụ mở lượng từ bi, sắm chút lễ vật, cúng siêu độ cho cha mẹ tôi nhân thể. Bà lớn biết ra nữa, chắc cũng chả ngại gì! 

PHÁP BẢN - Có chi mà thầy ngại! Chú Thông đâu! Nhận tiền sắm lễ cho thầy! 

CẬU TRƯƠNG (hỏi riêng Pháp Thông)- Chắc cô ấy có sang lễ không? 

PHÁP THÔNG – Làm chay cho quan Tướng thế nào cô ấy chả sang! 

CẬU TRƯƠNG (mừng rỡ) - Thế thì năm chục quan cũng đáng! 

Hương kém ấm, ngọc thua mềm! 

Trên trời dưới đất khôn tìm thấy hai! 

Nói chi ôm ấp lả lơi, 

Nhìn suông cũng đủ sướng đời! Cho nên 

Tai qua nạn khỏi tự nhiên! 

Làm chay nào được bằng nhìn Oanh Oanh! 

PHÁP BẢN – Xin mời về cả phương trượng xơi nước! 

CẬU TRƯƠNG – Tôi xin phép ra ngoài một chút (ra sân). Con bé chắc ra bây giờ! Mình cứ đứng chờ đây! 

CON HỒNG – (từ giã Pháp Bản) Xin cụ đừng cho uống nước. Con xin về thưa lại, kẻo bà lớn quở! (ra). 

CẬU TRƯƠNG – (đón chào) Xin chào chị ạ! 

CON HỒNG – Không dám, chào cậu! 

CẬU TRƯƠNG - Hỏi không phải: Chị có phải chị Hồng, người hầu cô Oanh không? 

CON HỒNG – Thưa vâng! Có việc gì phiền cậu hỏi? 

CẬU TRƯƠNG – Tôi có một chuyện không biết thưa có tiện không? 

CON HỒNG – Tên kia đã bắn khôn về! Lời kia đã nói khôn bề xoá đi! Có chuyện gì cậu cứ nói không ngại! 

CẬU TRƯƠNG - Tội họ Trương tên Củng, tự là Quân Thuỵ, quán ở Tây Lạc, năm nay mới hai mươi ba tuổi, sinh giờ Tí ngày 17 tháng giêng. Tịnh chưa lấy vợ bao giờ! 

CON HỒNG – Cái đó ai hỏi cậu đâu! Em cũng không phải thầy số, cần gì cậu phải kể ngày sinh tháng đẻ! 

CẬU TRƯƠNG – Xin hỏi chị câu nữa; cô nhà thường khi có ra ngoài không? 

CON HỒNG – (giận dữ) Ra ngoài thì làm sao? Cậu là người có học, há không nhớ câu: “Chớ làm việc trái lễ!” Bà lớn em lòng băng dạ tuyết, phép nhà rất nghiêm. Từ đứa trẻ sáu, bảy tuổi, không nghe gọi cũng không dám tự tiện bước lên nhà trên. Cậu không hề có bà con, sao lại được hỏi sỗ sàng như vậy! May mà trước mặt em đây, còn tha thứ được. Chứ bà lớn mà biết, sao chịu để cậu yên! Từ nay mà đi, điều gì nên hỏi thì hỏi, điều gì không nên hỏi chớ có hỏi càn như vậy! (vào) 

CẬU TRƯƠNG – (đứng ngẩn người ra một lúc) Thế này thì đến ốm tương tư mà chết mất! 

Những nghe nói đã rụng rời! 

Đôi mày nặng cả một trời sầu thương! 

Phép nhà nghiêm ngặt lạ nhường, 

Lấy ai dắt nẻo đưa đường cho nên? 

Ví bằng mình sợ mẹ giữ gìn, 

Thì quay đi còn ngoảnh lại mà nhìn chi nhau? 

Muốn đứt phăng! dễ đứt được đâu! 

Mầm tình đã trót ăn sâu trong người! 

Ví kiếp này mình cũng lỡ một lầm hai! 

Chả hoá ra kiếp trước ta đã mắc tội trời chi đây! 

Ta quyết làm cho bồng được lên tay, 

Cho mắt này thờ phụng, lòng này mê tơi! 

Chỉ nghe nói Vu Sơn xa cách bằng trời! 

Ai ngờ lại ở bên ngoài Vu Sơn! 

Thân tội này đứng tựa bao lơn. 

Nhưng thần hồn những mê man chốn nào? 

Này Hồng ơi! Em định đưa tin đến buồng đào. 

Hay lại đem chuyện kín thưa vào nhà huyên! 

Lòng xuân, có đâu dễ giữ gìn! 

Hẳn cũng thấy: Bướm bay từng cặp, oanh chuyền có đôi! 

Này Hồng ơi! Em trẻ người nóng tính thế thôi. 

Chứ ta đây, cô đấy tốt đôi ai bì! 

Miễn em hết sức giúp vì, 

Bà dù bó buộc, làm gì được ai? 

Mà mặt hoa, ta nhìn được tận nơi; 

Mà nhị đào, cô sẽ được cho người tình chung! 

Em mà vụng tính không xong, 

Thì trai tài, gái sắc, lại cùng trạc tuổi như nhau, 

Sẽ trông xuân, xuân đượm nét sầu. 

Sẽ nhớ ai, ruột héo, mặt sầu vì ai! 

Tội cho cô đức nết vẹn mười, 

Mà thiệt cho tôi cũng một đời tài hoa! 

Này Hồng ơi! Mày ai chỉ kẻ qua loa; 

Mặt ai chỉ thoáng gọi là phấn son; 

Cổ ai vừa trắng, vừa tròn, 

Ngọc đông, phấn nặn so còn kém xa! 

Trên thì, bên vạt áo tà. 

Ngón tay muôn muốt như là búp măng! 

Dưới thì, dưới bắc quần băng, 

Gót chân thuăn thuắt nhỏ bằng cánh sen! 

Muốn quên hồ dễ mà quên. 

Bao nhiêu hình bóng bạn tiên non Bồng, 

Thì mình đừng đẹp nữa có được không. 

Để tôi thôi cũng chẳng mệt lòng nhớ thương. 

Chết! Quên chưa vào chào sư cụ! (Quay vào hỏi Pháp Bản) Thưa cụ, việc tôi xin trọ, cụ dạy thế nào? 

PHÁP BẢN – Mái Tây chùa tháp có một gian phòng tĩnh mạc lắm, thầy ở đó thực vừa tiện. Tuỳ ý thầy dọn lúc nào cũng được. 

CẬU TRƯƠNG – Thưa vâng! Chúng tôi xin về trọ đem hành lý lại. 

PHÁP BẢN - Thế, thế nào thầy cũng dọn lại nhé! (vào) 

CẬU TRƯƠNG - Dọn lại thì dọn, nhưng chịu sao cho nổi lạnh lùng đây! 

Này Hồng ơi! Buồng văn đệm gối lạnh lùng. 

Đèn soi hiu hắt, sách chồng lẻ loi! 

Dù đền xong chí cả một đời. 

Ngủ sao cho nổi những đêm dài lan man? 

Ít ra cũng năm nghìn lần dài thở vắn, than, 

Với hàng vạn lượt tung màn, đập chăn! 

Thoạt gặp nhau, vẻ xinh chưa nhớ rõ mười phần, 

Đành không ngủ, căn ngón tay ta tưởng tượng dần cho ra! 

Trong như ngà ngọc, đẹp như hoa, 

Nhưng hoa mà biết nói, ngọc mà ngát thơm!