Hoàng Hạc Lâu và Hai Bản Dịch Tuyệt Vời 

Hoàng Hạc Lâu và Hai Bản Dịch Tuyệt Vời 

vương thanh  (đặc san lâm viên)

Xem bài viết trong Đặc San Lâm Viên

Tuesday, July 11, 2023 Bình Luận , ĐSLV , Vương Thanh 

Hoàng Hạc Lâu (DSLV)

Trong Đường Thi Tam Bách Thủ (300 bài thơ đường) được biên soạn lại từ đời nhà Thanh, bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” thường được nhiều người trong giới văn học Trung Quốc đánh giá là hay nhất, tiêu biểu nhất cho thơ của triều đại Đường.  Đây là một bài thơ bát cú thất luật nhưng rất hay. Nhưng nhiều người, và giới văn học Nhật Bản vẫn thích bài thơ “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” (Đêm Trăng, Hoa Trên Sông) của Trương Nhược Hư thời Đường hơn. Bài này thể thất ngôn dài vài chục câu, rất trữ tình và lãng mạn, ý cảnh mênh mông. 


Xin trích lại trong thivien. net vài câu bình luận về “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ”:


“Xuân giang hoa nguyệt dạ là bài thơ trữ tình nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung Quốc. Nhà nghiên cứu văn học đời Thanh Vương Khải Vận khen bài thơ này là “chỉ một thiên tuyệt diệu, đủ xứng đáng là đại gia” (cô thiên hoành tuyệt, cánh vi đại gia); nhà thơ hiện đại Văn Nhất Đa thì ca ngợi rằng bài thơ này là “thơ trong thơ, đỉnh núi trên các đỉnh núi” (thi trung đích thi, đỉnh phong thượng đích đỉnh phong). Theo lời Lưu Kế Tài thì đối với người Nhật Bản hiện đại, hai bài thơ Đường được hâm mộ nhất là Xuân giang hoa nguyệt dạ của Trương Nhược Hư và Trường hận ca của Bạch Cư Dị.” 


Bốn câu đầu trong “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ”, xin chép ra đây cho bạn đọc xem cho biết:


Xuân giang triều thuỷ liên hải bình

Hải thượng minh nguyệt cộng triều sinh.

Diễm diễm tuỳ ba thiên vạn lý

Hà xứ xuân giang vô nguyệt minh.


Bài viết này về Hoàng Hạc Lâu, cho nên VT sẽ không nói thêm về “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” nữa.  Tại sao người Trung Quốc lại thích bài thơ Hoàng Hạc Lâu đến vậy. VT nghĩ rằng vì bài thơ cô đọng, dùng thể bát cú trang trọng, chỉ có 56 chữ, bài thơ rất hay và dễ thuộc lòng và cũng góp phần quảng cáo cho sự du lịch. Hơn nữa lại có Trích Tiên Lý Bạch khen bài thơ này với câu nói : “Trước mắt có cảnh đẹp nhưng không nói được, vì trên đầu đã có thơ của Thôi Hiệu”.  Cũng có người cho rằng vì cảnh chưa đủ đẹp,  chưa đủ bát ngát, mênh mông, nên Trích Tiên Lý Bạch thấy có bài thơ tuyệt vời của Thôi Hiệu là đã quá đủ. 


Hoàng Hạc lâu

- Thôi Hiệu


Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ

Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản

Bạch vân thiên tải không du du

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu

Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.


Dịch nghĩa:


Người xưa cưỡi hạc vàng bay đi mất

Nơi đây chỉ còn trơ lại lầu Hoàng Hạc

Hạc vàng một bay đi không trở về nữa

Mây trắng ngàn năm vẫn chơi vơi  trên không

Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương thấy rõ ràng

Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi

Trời về chiều tối, quê nhà ở nơi đâu ? 

Trên sông khói sóng khiến lòng người u sầu.


Chỉ dùng 8 câu 7 chữ mà trải đầy hình ảnh và chan chứa cảm hoài. Mở đầu là cho ra hình ảnh về người tiên (người xưa cưỡi hạc vàng ắt hẳn là tiên nhân, mà người TQ rất thích thần tiên). Rồi những vần thơ tràn đầy cảm hoài với ý thơ ‘cảnh cũ vẫn đây, mà người/nàng tiên xưa nay đâu’, mây trắng vẫn lững lờ trôi ngàn vạn năm, rồi lại kết với những câu thơ trong cảnh ráng chiều tuyệt đẹp (tịch dương vô hạn hảo / chỉ thị cận hoàng hôn – lý thương ẩn), nhưng lại dần sắp tắt, mà che khuất tầm mắt hướng về quê quán của thi nhân, rồi lại nhìn khói sóng giang hà mà chạnh sầu nhớ quê hương. Chỉ có 56 chữ rất dễ thuộc lại có thể diễn tả bấy nhiêu ý tình và đặc biệt còn có hình bóng người/nàng tiên, cho nên người Trung Hoa cho bài thơ này vào bậc nhất  mặc dù có nhiều bài thơ khác ý cảnh dạt dào, mênh mông, đặc sắc nhưng lại dài hơn rất nhiều như hai áng thơ kiệt tác, “Xuân Giang Hoa  Nguyệt Dạ”, “Trường Hận Ca”, v.v. 


Giờ VT xin đăng vài bài dịch thơ của vài vị học giả,  và thi sĩ rồi cho cảm nghĩ, nhận xét về những bản dịch. 


Bản dịch của Ngô Tất Tố : 


Người xưa cưỡi hạc đã lên mây,

Lầu hạc còn suông với chốn này.

Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn

Ngàn năm mây bạc vẩn vơ bay.

Vàng gieo bên Hán, ngàn cây hửng

Xanh ngắt châu Anh, lớp cỏ dày.

Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ?

Đầy sông khói sóng gợi niềm tây!


Câu 5: "Hán Dương" không nên viết tắt là "bên Hán".  Viết vậy đọc không mấy ai hiểu, nghe cũng không êm. "ngàn cây hửng" nghe hơi cụt lủn, lại khó hiểu. Chắc dịch giả muốn nói "ngàn cây hửng nắng", nhưng lại thiếu chữ "nắng" quan trọng.


Câu 6: "xanh ngắt", "cỏ dày", nghe không cảm nhận được vẻ đẹp của phong cảnh.


Câu 7: "đâu tá nhỉ" nghe cổ xưa, không êm, không tự nhiên.


Câu 8:  "gợi niềm tây", là niềm "riêng", không hẳn là nói lên "cái sầu" như trong lời dịch nghĩa. 


Sau đây là bản dịch của nhà giáo dục, học giả  Trần Trọng Kim. Trần Trọng Kim có công đóng góp rất nhiều cho đất nước. Tuy nhiên, VT chỉ bàn luận về thơ và văn chương.  Bản dịch thơ này của TTK nghe rất bình thường, không có gì hay. 


Người đi cưỡi hạc từ xưa,

Đất này Hoàng Hạc còn lưu một lầu.

Hạc vàng đi mất đã lâu,

Ngàn năm mây trắng một màu mênh mông.

Hán Dương cây bóng lòng sông,

Bãi kia Anh Vũ cỏ trông xanh rì.

Chiều hôm lai láng lòng quê,

Khói bay sóng vỗ ủ ê nỗi sầu.


Câu 2: “còn lưu một lầu”  đã không vần với chữ "xưa" ở câu trên, lại nghe khá thô, thiếu cái nhẹ nhàng của thơ. 


Câu 5: "cây bóng lòng sông" nghe cũng có vần gượng. (ý là bóng cây chiếu rõ ràng vào lòng sông) 


Câu 6: "cỏ trông xanh rì", chữ "trông", cụm từ "xanh rì" nghe không hay.  


Câu 7:  "chiều hôm lai láng lòng quê" dịch rất thiếu sót ý lời của nguyên tác vốn là "trời về tối, cảnh tối che khuất, không thấy quê nhà".


Câu 8: "... ủ ê nỗi sầu", nghe giống như thiếu phụ trong khuê phòng mặt mày "ủ ê" vậy. Thi nhân thường hay sầu nhưng hẳn không có thi nhân nào thích nỗi sầu của mình bị tả là ủ ê cả.  


Bản dịch của Trần Trọng San:


Người xưa cưỡi hạc bay đi mất,

Riêng lầu Hoàng Hạc vẫn còn đây.

Hạc đã một đi không trở lại,

Man mác muôn đời mây trắng bay.

Hán Dương sông tạnh, cây in thắm,

Anh Vũ bờ thơm, cỏ biếc dày.

Chiều tối, quê nhà đâu chẳng thấy 

Trên sông khói sóng gợi buồn ai.


Bài này dịch rất sát ý nghĩa của nguyên tác. VT thấy bản này hay hơn bản dịch 2 bản trước đó.  Hán Dương viết rõ ràng, không có “bên Hán” là bên gì  như của học giả Ngô Tất Tố.  Nhưng “trên sông khói sóng gợi buồn ai”, câu kết “gợi buồn ai” nghe cũng yếu yếu, không có gì đặc sắc. 

 

Sau đây là bản dịch kiệt tác của Tản Đà:


Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?

Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.

Hạc vàng đi mất từ xưa,

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.

Hán Dương sông tạnh cây bày,

Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.

Quê hương khuất bóng hoàng hôn.

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?


Lục bát rất mượt mà. Dịch rất sát ý nghĩa của nguyên tác. Câu lục bát cuối cùng “Quê hương khuất bóng hoàng hôn / Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” là  kiệt tác. Chỉ cần đọc qua là có thể thuộc lòng.  Câu thứ 3 “hạc vàng đi mất từ xưa” tuy không nói lên hoàn toàn cái ý tha thiết của  câu thơ nguyên tác “hoàng hạc nhất khứ bất phục phản – hạc vàng một đi biền biệt, không thấy trở lại nữa" nhưng cũng đã hay lắm.  Chỉ có câu này “hán dương sông tạnh cây bày” VT thấy cũng có vẻ sao sao, hai chữ “cây bày” nghe không mấy thi vị.  (ý là : sông tạnh, những hàng cây phản chiếu lòng sông hiện ra rõ ràng). Dù sao cũng chỉ có thể dịch như vậy trong khuôn khổ lục bát khi câu thơ cô đọng của nguyên tác phải dùng gần 15 chữ để diễn tả ý nghĩa. Một bài thơ chỉ cần một câu lục bát tuyệt hảo là đủ rồi và đó là câu lục bát cuối cùng của Tản Đà “quê hương khuất bóng hoàng hôn, trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”,  mà hầu hết những người trong giới thơ văn yêu thích đường thi trung quốc đều biết. 


Sau cùng, xin đưa ra bản dịch rất tuyệt vời  nhưng có chút phóng tác, không sát ý nghĩa từng câu thơ của nguyên tác cho lắm, của thi bá Vũ Hoàng Chương. VHC chỉ dịch có vài ba bài thơ Trung Quốc. Nếu không có ý tưởng độc đáo, ý lời mới lạ, thì hẳn là vị thi bá này sẽ không theo đường mòn mà dịch thơ như hàng ngàn người khác.


Xưa hạc vàng bay vút bóng người 

Đây lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi 

Vàng tung cánh hạc đi đi mãi 

Trắng một mầu mây vạn vạn đời 

Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu

Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi 

Gần xa, chiều xuống, đâu quê quán

Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!


Bản dịch của Vũ Hoàng Chương như là nhà thơ nhập vào trong khung cảnh bài thơ, tả rất sống động, giống như thi nhân trước mắt nhìn thấy cảnh: xưa hạc vàng bay vút lên không, chỉ thấy bóng người tiên khuất dần sau biển mây trắng. (so với của Tản Đà: người xưa cỡi hạc đi đâu – Tản Đà là tường thuật lại).


Câu 2: “... chút thơm rơi” so với “riêng lầu còn trơ” của Tản Đà, cả hai đều hay. Của Tản Đà chữ “lầu còn trơ” tả sự cảm hoài. Và VHC cũng vậy “chút thơm rơi”, lưu lại dư hương của người tiên đã cưỡi hạc rời khỏi nhân gian.


Câu 3: “vàng tung cánh hạc đi đi mất / Hạc vàng bay mất từ xưa “. của VHC vẫn thích hơn, giống ý của nguyên tác (hoàng hạc nhất khứ bất phục phản, bay đi, đi mãi không trở lại).


Câu 4: “Trắng một màu mây vạn vạn đời.” Quả là câu dịch kiệt tác. Nói lên sự cô đơn tịch liêu, lòng trắng, trắng ngắt, tịch liêu như làn mây trắng phiêu du biết về đâu, nơi đâu là quê nhà, phiêu du mãi hàng ngàn năm, vạn năm.  Nghe cảm khái hơn câu tả cảnh của Tản Đà "ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay". 


Câu 5:  “Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu”.  Tuy không sát lời nguyên tác “sông tạnh, cây cối phản chiếu rõ ràng trên lòng sông” nhưng vẫn rất hợp với ý của nguyên bài thơ “... còn nắng chiếu” thì cho nên cây cối cũng trông thấy rõ ràng. Hơn nữa, viết là “bến Hán Dương” thì người Việt đọc mới hiểu, chứ chỉ có “Hán Dương” cũng không mấy ai rõ “Hán Dương” là cái gì Hán Dương. 


Câu 6: “Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi” khác lời dịch nghĩa của nguyên tác “Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi”, nhưng vẫn đúng với tâm trạng của tác giả và hai câu 5, 6 vẫn đúng ý với sự cảm hoài “cảnh cũ còn đó, mà người xưa nay đâu”.  


Câu 7:  "Gần xa, chiều xuống, đâu quê quán".  Ba chữ “đâu quê quán” nghe cô đọng, cảm hoài ý nhớ quê hương. Nghe tự nhiên hơn của Ngô Tất Tố "đâu tá nhỉ"  nhiều. 


Câu 8:  Còn câu cuối thì rất độc đáo. Tuy không sát với nguyên tác, lại thiếu chữ "yên" trong “yên ba: khói sóng.” Bù lại, VHC tự đặt mình vào trong bài thơ, tha thiết thốt ra "đừng giục cơn sầu nữa, sóng ơi!"  Xin đối chiếu với câu kiệt tác của Tản Đà "trên sông khói sóng cho buồn lòng ai" (sát nghĩa hoàn toàn) thì phiên bản của Tản Đà là tường thuật cảm nghĩ, còn của VHC  là như đem chính mình nhập vào bài thơ mà thốt lên lời than van với làn sóng được "nhân cách hóa". 


Cả hai bản dịch của Tản Đà và Vũ Hoàng Chương đều là kiệt tác trong dịch thuật Đường thi. Tản Đà dịch sát ý nghĩa từng câu thơ hơn. Còn của Vũ Hoàng Chương, bản dịch theo thể thất ngôn bát cú nên đậm chất cổ phong, lại có thêm phần phóng tác độc đáo theo đúng tâm trạng của của tác giả tuy không sát ý nghĩa của câu thơ, nhưng lại cho độc giả người Việt cảm nhận cái đẹp, và nỗi buồn của bài thơ. Những dịch giả khác như Ngô Tất Tố, Trần Trọng San thì bản dịch của họ tuy có thể sát ý nghĩa từng lời thơ của nguyên tác hơn, nhưng khi đọc lên nghe thấy ý lời nhàn nhạt, không gợi lên bao nhiêu cảm xúc. 


Còn câu kết trong bản dịch của VHC thì  nhiều người không hiểu cái nét độc đáo vô nhị của câu này mà chỉ trích là: thiếu từ “yên: khói” và hình ảnh “khói sóng". Tuy thiếu cảnh “khói sóng” thì dịch giả thi sĩ VHC tự đặt mình vào trong bài thơ với  lời xin "chàng sóng" đầy tha thiết với câu thơ dịch: "đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi", nghe rất sống động. 


Trước mắt đã có hai bản dịch tuyệt vời  của hai vị thi bá Tản Đà và Vũ Hoàng Chương, nên VT không dịch lại làm gì, trừ phi có ý tưởng gì rất độc đáo. Mà chắc là không có. Trừ phi viết truyện thơ về  nàng tiên nữ, nữ hiệp, ở Hoàng Hạc Lâu đợi tình lang.  Mười năm không gặp, nàng buồn bã cưỡi hạc vàng bay đi mất.  Còn chàng thì  nhiều năm sau mới có thể đến nơi hẹn nhưng cảnh thì vẫn đó, mà người xưa nay đâu. Bãi Anh Vũ cỏ vẫn xanh mơn mởn, cây bến Hán Dương vẫn rạng ngời. Người đã xa vời, chỉ để lại một bức họa nàng cưỡi hạc vàng bay đi mà lòng còn lưu luyến, khi rời xa mãi mãi  chốn nhân gian đầy kỷ niệm yêu hận đan xen này. 


vương thanh

07/03/2023